Đặng Tiểu Bình Nhà Chính Trị Lỗi Lạc Trung Quốc

Đặng Tiểu Bình Nhà Chính Trị Lỗi Lạc Trung Quốc

Tác giả: Ngộ Thiện
Giá bìa: 80.000 VNĐ
Lượt đọc: 575
Đánh giá:
(00 )

Chia sẻ Sách

Giới thiệu

... Đặng Tiểu Bình tư chất thông minh, tiếp thu nhanh, trí nhớ tốt. Sau khi thầy giáo dạy đọc, cậu đã có thể đứng lên đọc trầm được một cách trôi chảy, rất được thầy giáo yêu mến, nên thường vẫn được thầy giáo gọi đứng lên làm mẫu, đọc cho các học sinh khác đọc theo. Trong lớp học thường xuyên vang lên tiếng đọc bài trong trẻo và rất chăm chỉ. Với việc tập viết chữ, một nét cậu cũng không hề cẩu thả, tập đi tập lại nhiều lần. Trong vở của cậu các vòng khuyên rất nhiều. Mẹ của Đặng Tiểu Bình cho dù một chữ bẻ đôi cũng không biết, nhưng lại vô cùng giỏi giang việc nhà. Mỗi khi nhìn thấy con trai đi học về được rất nhiều cái  vòng khuyên đỏ, bà vội vội vàng vàng luộc một quả trứng gà để thưởng.

 

Lúc lên 6 tuổi, Đặng Tiểu Bình vào Trường tiểu học Bắc Sơn của làng Hiệp Hưng, tiếp thu nền giáo dục mới. Cậu càng cố sức tự giác, chăm chỉ miệt mài. Lúc bấy giờ, con đường từ nhà đến Trường tiểu học Bắc Sơn là con đường hẹp giữa hai làng, xa tới hai cây số. Con đường nhỏ gập ghềnh, ngoằn nghèo uốn lượn hễ  cứ gặp mưa là mặt đường bùn trơn lầy lội, rất khó đi. Đặng Tiểu Bình  tuổi tuy còn nhỏ, nhưng không biết sợ gian nan là gì. Cho dù là xuân, hạ, thu, đông, bốn mùa mưa nắng gian lao vẫn không cản ngăn được cậu đến trường. Mẹ mỗi khi thấy khắp mình cậu ướt sũng như chuột lụt về, thường bảo cậu nghỉ ở nhà tự học. Nhưng đến cả khi có bão tuyết, Đặng Tiểu Bình vẫn khăng khăng bảo với mẹ, kiên quyết đến trường trước giờ như mọi ngày. Trong suốt cả bốn mùa, ngoài một lần bị ốm không thể đến trường, Đặng Tiểu Bình không hề bỏ buổi học nào khác, giữ được tính cần cù. Trừ cái lần bị ốm xếp xuống thứ nhì lớp, còn mỗi lần thi kiểm tra, cậu đều đứng đầu, trở thành học sinh xuất sắc mà cả trường ai nấy đều trầm trồ ngợi khen.

 

Năm lên 11 tuổi, Đặng Tiểu Bình rời Trường tiểu học Bắc Sơn, thi trúng một cách thuận lợi vào Trường tiểu học phổ thông cơ sở ở Quảng An. Ngôi  trường này lúc đó đặt ở trên một quả đồi trong huyện thành Quảng An, là một lầu nhỏ hai gác, ngói xanh, tường gạch, lan can gỗ, quy mô không lớn, mỗi lần chỉ chiêu  sinh được hai lớp, mỗi lớp chừng hai mươi học sinh. Thế mà khi ấy, nó là Trường  tiểu học phổ thông cơ sở duy nhất một huyện có tới hai ba mươi vạn dân, nếu không có thành tích xuất sắc  thì khó lòng mà thi đậu vào được. Do cách xa thôn  Bài Phường những 10 cây số, Đặng Tiểu Bình đành cuối mỗi tuần mới về nhà để lấy thêm đồ dùng, còn thời gian giữa tuần thì ở lại học. Cha mẹ không ở bên cạnh, việc học hành là dựa hoàn toàn vào sự tự giác của cậu.

 

Năm 1918, Đặng Tiểu Bình hoàn thành một cách thuận lợi việc học hành ở Trường phổ thông cơ sở ở Quảng An, thi đậu vào Trường trung học duy nhất ở huyện - Trường trung học Quảng An.

 

Với sự lớn dần lên về tri thức và tuổi tác, tầm nhìn của Đặng Tiểu Bình cũng ngày một mở rộng hơn. Đặc biệt là với sự tác động mạnh mẽ của dòng thời đại Ngũ Tứ, cậu không còn thỏa mãn lối học hành với một loại nội dung “Chi hồ giả giã” trong trường nữa. Cậu khát vọng muốn học tập tri thức của lĩnh vực khoa học tự nhiên, khát khao có thể nắm vững kỹ thuật ứng dụng làm cho đất nước giàu mạnh. Cha cậu gợi ý cậu đến học tập ở Trường vừa học vừa làm, đào tạo đi Pháp, đặt tại Trùng Khánh, đúng  với ý định của cậu. Cậu mau chóng nhặt nhạnh tư trang, từ biệt quê hương, đến Trùng Khánh cách xa nhà 100 cây số.

 

Trường vừa học vừa làm đào tạo đi Pháp đặt tại Trùng Khánh được Uông Vân Tùng Hội trưởng Hội thương mại Trùng Khánh cùng ông Ôn Thiếu Hạo Trưởng phòng Giáo dục và một số người nữa cùng mở, địa điểm ở trong miếu Phu Tử của thành phố Trùng Khánh. Đó là trường học bậc cao nhất nằm ở phía tây nam thành phố lúc bấy giờ. Cũng giống với những lần thi lên cấp học, lần này Đặng Tiểu Bình cũng đã thi đậu, thỏa nguyện trở  thành một trong số 100 học sinh khoá đầu tiên. Theo hồi ức của bạn học thuở đó của Đặng Tiểu Bình: “Cậu ta vào trường hơi muộn một chút. Cậu ta khi đó tỏ ra rất cứng rắn, tinh thần và sức lực luôn luôn dồi dào. Cậu ta ít nói, trong học tập vô cùng chịu khó miệt mài”.

 

Sau một năm học tập, trong số học viên có 80 người vượt qua đợt thi tốt nghiệp kì đầu, kiểm tra vấn đáp của Lãnh sự quán Pháp tại Trùng Khánh và kiểm tra sức khỏe. Đặng Tiểu Bình cũng có tên trong danh sách 80 người đó, mà tuổi lại ít nhất, vừa tròn 16 tuổi.

 

Cứ như vậy, trải qua mười năm vất vả miệt mài học tập, lên dần từng nấc thang một, ngày 21 tháng 8 năm 1920, Đặng Tiểu Bình và gần 80 học sinh khác đến bến cảng Trùng Khánh cùng đáp chiếc tàu “Cát Khánh” theo đường thuỷ Nghi Xương, Hán Khẩu, Cửu Giang, bến tiếp là Thượng Hải  để bắt đầu cuộc hành trình lâu dài đưa cậu tới du học tại Pháp...

Bình luận

Chưa có bình luận...
Gửi Bình luận

Sách cùng thể loại

Sách cùng tác giả

Thông báo !

Quý khách đã hết thời gian xem thử. Để xem tiếp quý khách vui lòng mua hoặc đăng ký gói.