icon homearrowĐiểm tin

Vấn đề dịch văn học được mổ xẻ

Ngày đăng: 17/06/2015 03:28

Kỹ năng của dịch giả và xu hướng dịch thuật Việt là hai trong nhiều vấn đề được bàn luận tại tọa đàm "Dịch văn học: Có thể và có thể".

Những năm qua, thị trường Việt Nam bùng nổ dòng sách văn học dịch. Nếu trước đây, dịch giả lặng lẽ dịch và in sách, thì nay, việc dịch văn học được sự quan tâm của nhiều độc giả, những người trong ngành. Là đơn vị có nhiều đầu sách dịch gây chú ý ở Việt Nam, công ty Nhã Nam tạo một diễn đàn dịch thuật, duy trì hai tọa đàm trong năm. Đơn vị hy vọng đây là một địa điểm tin cậy cho những ai quan tâm tới dịch văn học trao đổi, phê bình.

Chương trình tọa đàm đầu tiên có tên "Dịch văn học: Có thể và có thể" diễn ra tối 10/6 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội. Dịch giả Nguyễn Duy Bình (Phó Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Vinh) và nhà nghiên cứu văn học Trần Ngọc Hiếu đã bàn luận nhiều vấn đề qua sự dẫn dắt của dịch giả Đinh Bá Anh.

body-Dich-3227-1434012517.jpg

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Từ Nghệ An, dịch giả Nguyễn Duy Bình mang tới bài nghiên cứu về xu hướng dịch thuật văn học ở Việt Nam. Người chuyển ngữ La Mã sụp đổ, Lời hứa lúc bình minh... cho rằng, lối dịch văn học đang dần chuyển từ dịch "hướng đích" sang "hướng nguồn". Khuynh hướng dịch "hướng nguồn" là cách chuyển ngữ bảo toàn mức cao nhất nghĩa, ý nghĩa và hình thức nguyên tác dù kết quả dịch mang tới một văn bản khó hiểu cho người đọc. Dịch "hướng đích" là chuyển ngữ sao cho phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ người đọc, dù phải cắt xén hoặc bỏ đi tính lạ.

Để chứng minh, dịch giả Nguyễn Duy Bình so sánh các bản dịch văn học Pháp - Việt đầu thế kỷ 20 của Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Chánh Chiếu (trước 1954), Bùi Giáng, Vũ Đình Lưu (trước 1975) với bản dịch đầu thế kỷ 21 của Lê Hồng Sâm, Dương Tường, Cao Việt Dũng, để làm nổi bật sự cách biệt về tiếp nhận văn bản. Nếu trước kia, dịch giả Việt hóa tối đa nguyên tác (kể cả danh từ chỉ tên người), ngôn từ, cấu trúc câu... thì ngày nay, dịch giả sẵn sàng cho vào bản dịch những yếu tố ngoại lai.

Tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu bàn về phong cách và vị trí của dịch giả với tác phẩm. Thông qua dự án dịch của nhà văn Anh Adam Thirwell, Trần Ngọc Hiếu cho rằng việc dịch văn học ở Việt Nam cũng như trên thế giới không được coi trọng, người ta chỉ nhớ tên, đánh giá cao tác giả, chứ mấy ai quan tâm tới dịch giả. Tiến sĩ ngữ văn nói: "Dịch thuật phải được giải phóng khỏi định kiến của một thân phận phục tùng bản gốc; trái lại, nó thiết lập một quan hệ bình đẳng, đến mức dịch thuật tạo ra cả một chuỗi các nguyên tác".

Các diễn giả cũng bàn luận về vấn đề muôn đời của dịch thuật: "Có tác phẩm dịch hoàn hảo hay không?". Trước câu hỏi này, dịch giả Nguyễn Duy Bình cho rằng tác phẩm văn học nào cũng có thể dịch được, nhưng phải xác quyết: "không có bản dịch nào hoàn hảo". Nguyễn Duy Bình đưa ra những điểm bất khả dịch như: Những khái niệm lạ chưa có trong văn hóa ngôn ngữ dịch; những cách nói mơ hồ; những cấu trúc cú pháp quá tinh vi, phức tạp; các hình thức chơi chữ. Theo các diễn giả tại tọa đàm, người dịch khi vấp phải những trở ngại trên không được phép chủ quan, bỏ qua. Có nhiều phương pháp giúp dịch giả vượt qua những chỗ không thể dịch trong nguyên tác như: hỏi các chuyên gia, tìm hiểu văn hóa gốc, chú thích dưới trang để giải thích rõ hơn cho độc giả; tìm một cách chơi chữ tương đương trong văn bản gốc.

Bàn về vai trò của dịch thuật, dịch giả Đinh Bá Anh cho rằng đây là công việc mở ra không gian giao lưu văn hóa. Người dịch không chỉ mang tới văn bản tác phẩm, mà còn thể hiện sự ảnh hưởng, can thiệp đến văn bản trên phương diện văn hóa, bản sắc, chính trị... Bên cạnh chuyển sát nghĩa văn bản gốc, Đinh Bá Anh đề cao việc dịch sáng tạo. Ông cho rằng việc dịch sáng tạo đòi hỏi phải có tầm vóc, tư tưởng mới làm được.

Chia sẻ:

Yêu cầu sách

Thông báo !

Quý khách đã hết thời gian xem thử. Để xem tiếp quý khách vui lòng mua hoặc đăng ký gói.