icon homearrowChân dung

Nguyễn Huy Tưởng và những trang sách cho thiếu nhi

Ngày đăng: 08/07/2015 11:10

Không chỉ có nhiều tác phẩm dành cho trẻ em, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng còn cùng nhà văn Tô Hoài thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng - đơn vị làm sách thiếu nhi đầu tiên của Việt Nam.

Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960) là nhà văn, nhà viết kịch kháng chiến. Ông là người lãnh đạo chủ chốt của phong trào Văn hóa cứu quốc, là đại biểu Quốc hội khóa một, Ủy viên Thường vụ Hội văn nghệ Việt Nam, thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ (1946). Bên cạnh những tiểu thuyết, vở kịch nổi tiếng như Đêm hội Long Trì, Vũ Như Tô, Sống mãi với thủ đô, ông còn đi vào văn học sử Việt Nam với những trang viết dành cho thiếu nhi.

>> Những cuốn sách mới về tình cha mẹ ấm áp

Tưởng nhớ tác giả tâm huyết với mảng đề tài này, một triển lãm mang tênNhà văn Nguyễn Huy Tưởng với cảm hứng sách thiếu nhi đang diễn ra tại Hà Nội.

http://url.sachtot.vn/res/Avatar/201507011445210001577_nht_body_5163_1434565341.jpg

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

Hàng trăm hiện vật, tư liệu về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được trưng bày trong triển lãm. Tại đây, người đọc được chiêm ngưỡng các phiên bản củaLá cờ thêu sáu chữ vàng in từ năm 1970 tới 1994, trong đó có cả phiên bản tiếng Anh, tiếng Trung, bản chữ nổi... Người xem phần nào hình dung ra sự nghiệp văn học thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng qua một số cuốn sách trưng bày tại triển lãm như Thằng Quấy, Tìm mẹ, Con cóc là cậu ông Giời, Hai bàn tay chiến sĩ, Kể chuyện Quang Trung... Những tác phẩm này được coi là mẫu mực văn học thiếu nhi, hiện một số vẫn được giảng dạy trong chương trình giáo dục phổ thông. 

Không chỉ đem vào văn học những tác phẩm thiếu nhi với phong cách miêu tả đặc biệt, Nguyễn Huy Tưởng còn luôn đau đáu với việc đọc của các em. Những hiện vật như thư từ của các nhà văn gửi Nguyễn Huy Tưởng trưng bày tại triển lãm cho thấy công lao của ông với ngành xuất bản sách cho thiếu nhi. 

Từ năm 1951, tại chiến khu Việt Bắc, ông đã cùng nhà văn Tô Hoài chủ trương thành lập "Tủ sách Kim Đồng", vận động và thực hiện in những tác phẩm cho thiếu nhi. Sau khi giải phóng thủ đô, vào năm 1957, một số nhà văn xin được thành lập một đơn vị xuất bản sách cho thiếu niên, nhi đồng. Nhà văn Tô Hoài đặt tên cho đơn vị đó là Nhà xuất bản Kim Đồng, còn Nguyễn Huy Tưởng làm giám đốc.


http://url.sachtot.vn/res/Avatar/201507011445320001813_nht_body_2_9679_1434565342.jpg

Sách "Lá cờ thêu sáu chữ vàng" và trang bản thảo tác phẩm được trưng bày tại triển lãm

Một số bài viết, thư từ của các nhà văn gửi Nguyễn Huy Tưởng cũng được trưng bày tại triển lãm. Trong một bài viết, nhà văn Tô Hoài nói: "Anh thường ước mơ làm sao cho hết thảy con em - cả một thế hệ bước sau chúng ta, khi các em vừa đến lứa tuổi làm quen với sách vở, đã biết thưởng thức và say mê những câu chuyện do tưởng tượng mới thấy... Anh thèm có những tài năng nào đem được cả nghìn năm lịch sử dựng nước biến thành một bộ truyện chói lọi". 

Bài viết của nhà văn Phạm Hổ kể lại những kỷ niệm khi ông tập kết ra Bắc, được gặp tác giả của Lá cờ thêu sáu chữ vàng. Ông viết: "Ngôi nhà Nguyễn Huy Tưởng ở một góc phố đường Bà Triệu bỗng chốc đã thành nơi gặp mặt của những người say mê với công việc sáng tác cho các em lúc bấy giờ: Tô Hoài, Lưu Hữu Phước,Thy Ngọc, Hồ Thiện Ngôn...".

Bên cạnh những trang sách thiếu nhi, triển lãm còn trưng bày những hiện vật như các cuốn sổ nhật ký, bút viết, những cuốn sách, kịch bản đã xuất bản nhằm thể hiện sự nghiệp văn chương của Nguyễn Huy Tưởng.

Chia sẻ:

Yêu cầu sách

Thông báo !

Quý khách đã hết thời gian xem thử. Để xem tiếp quý khách vui lòng mua hoặc đăng ký gói.